CHẤN THƯƠNG LƯƠNG TÂM CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TRONG DỊCH COVID-19

Chấn thương lương tâm hay còn gọi là “kiệt quệ lương tâm” (moral injury , moral distress) có thể xảy ra khi ai đó dự phần vào, không can ngăn được, hoặc chứng kiến những hành vi đi trái với giá trị hoặc niềm tin của họ. Đa phần các nhân viên y tế thường không bị suy sụp trước các tình huống khó khăn khi hành nghề nhờ quá trình được đào tạo và chuẩn bị, các chuẩn mực y khoa, hành động và giao tiếp của đồng nghiệp và lãnh đạo, cũng như sự ủng hộ từ gia đình và công luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn như đại dịch, một số người có thể bị chao đảo khi đương đầu với những trải nghiệm lần đầu gặp trong nghề cũng như đầy nguy cơ gây sang chấn.

Chấn thương lương tâm là gì?

Chấn thương lương tâm thường liên quan đến những trải nghiệm xung đột với các giá trị cá nhân hoặc chuẩn mực chung của nghề/ tổ chức, chẳng hạn như phải đưa ra quyết định ảnh hưởng đến nhân mạng, đối mặt tình huống mà mọi lựa chọn đều dẫn đến hệ quả tiêu cực, dự phần vào một hành động sai trái, không ngăn chặn được hành vi trái đạo đức nghiêm trọng, chứng kiến hoặc biết được hành vi đó, hoặc cảm giác bị phản bội bởi những người mình tin cậy. Cảm xúc phát sinh từ những trải nghiệm này có thể bao gồm: tội lỗi nếu người ấy cảm thấy hối hận về những trải nghiệm này (ví dụ: “Tôi đã làm điều thực sự tồi tệ”), tủi hổ nếu người ấy tự trách mình vì những yếu kém hay thiếu sót của bản thân (ví dụ: “Tôi là đứa tệ hại”), hay bị những hình ảnh hoặc ý nghĩ khủng hoảng xâm chiếm. Nếu tình trạng kéo dài và không được điều tiết, can thiệp, hoặc nâng đỡ từ đồng nghiệp và lãnh đạo, những cá nhân này có thể càng lúc càng gia tăng cảm giác không dung thứ cho bản thân. Kéo theo là sự phẫn nộ, giảm động lực lẫn niềm tin vào ban lãnh đạo hoặc tổ chức nếu người đó cảm thấy như bị quay lưng.

Những trải nghiệm chấn thương lương tâm và hệ quả về mặc cảm tội lỗi, tủi hổ, hoặc phẫn uất có thể gây nên các phản ứng căng thẳng như rối loạn giấc ngủ, xáo trộn nghiêm trọng hành vi hoặc thói quen, phạm nhiều sai sót hơn, thu rút với xung quanh, có các hành vi cực đoan (ví dụ: làm việc quá sức, ăn vô độ), và suy giảm khả năng đồng cảm hoặc trắc ẩn (với bệnh nhân). Những tình huống có thể gây ra chấn thương lương tâm thường là những sự kiện chấn động có thể dẫn đến các triệu chứng của Rối Loạn Hậu Sang Chấn (Post Traumatic Stress Disorder/ PTSD). Điển hình như không ngừng hồi tưởng các ký ức kinh khủng, tránh né tiếp xúc con người hoặc địa điểm nào đó, thay đổi tâm trạng hoặc lối suy nghĩ (theo hướng tiêu cực), và khó tập trung.

Trong đợt bùng phát COVID-19, chấn thương lương tâm ở nhân viên y tế có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là những quyết định định đoạt sinh mạng liên quan đến phân bổ nguồn lực để cứu ai trước (và để những người khác chết), hoặc nỗi day dứt rằng đáng ra mình đã có thể cứu mạng một bệnh nhân nếu làm khác đi. Các nhân viên y tế có thể chứng kiến những hành vi hay chính sách mà họ cảm thấy bất công, thậm chí thất đức, song lại bất lực không dám lên tiếng. Họ cũng có thể cảm thấy có lỗi vì đã đánh đổi công việc với gia đình, vì mình còn sống trong khi người nhà tử vong, hoặc vì biết tin bạn bè người thân bị nhiễm COVID và trở nặng.

Tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh những hậu quả tiêu cực do tiếp xúc với các tác nhân gây chấn thương lương tâm. Đồng thời, những cá nhân trải qua chấn thương lương tâm có thể tìm lại ý nghĩa sống, và cùng với thời gian và các tương trợ, từng bước chuyển hóa những trải nghiệm không dễ chịu thành một lăng kính mới đầy tích cực và lành mạnh.

Cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ chấn thương lương tâm?

Tự chăm sóc mình khi bị chấn thương lương tâm có thể là việc vô cùng khó đối với những con người hoạt động trong mảng y tế, vì đây là nhóm vốn đặt việc chăm sóc người khác lên hàng đầu. Tố chất ấy thường là điểm sáng của nghề y, nhưng trong thời đại dịch, điều này đồng nghĩa họ thường bỏ bê chăm sóc chính bản thân và các chuẩn mực cá nhân lại khiến họ có nguy cơ bị chấn thương lương tâm cao hơn. Do đó, việc tự chăm sóc khi bị chấn thương lương tâm trước hết là nhân viên y tế cần tìm đến những người khác để được trợ giúp trong việc đưa ra những lựa chọn khó khăn (thay vì đơn độc định đoạt một mình), và nhận sự nâng đỡ khi trải qua những hoàn cảnh dễ kích hoạt chấn thương lương tâm. Thường chỉ khi mở lòng, chúng ta mới có thể nghe được một cách nhìn nhận khác hữu ích hơn hoặc nhận ra ý nghĩa từ những tình huống dễ gây chấn thương lương tâm.

Bất kỳ ai gặp tình trạng chấn thương lương tâm cũng cần phải tập cách tự bảo vệ bản thân trước những độc thoại nội tâm tiêu cực. Đó là những suy nghĩ tưởng chừng như thực tế nhưng có thể không có ích, bởi chúng kích hoạt thêm căng thẳng và xáo trộn chức năng sống của chúng ta. Chẳng hạn, một người có thể cần phải điều chỉnh lại kỳ vọng của chính bản thân, hay phải hình dung lại về “một ngày tốt đẹp” cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế, thay đổi lối nghĩ “Đáng lẽ tôi đã phải làm tốt hơn” thành “Tôi đã làm tốt nhất có thể trong tình huống ấy.” Tâm sự bộc bạch với những người khác có thể giúp nhận ra một cách nhìn mới. Bạn đọc có thể tìm hiểu các chiến lược điều chỉnh suy nghĩ trong bài viết Các suy nghĩ hữu ích trong thời COVID-19.

Một cách hữu ích khác là nghĩ đến những người hay những thứ mình thấy biết ơn; nuôi dưỡng cảm giác hài lòng với những gì đã làm được, dù là những việc nhỏ; và kiên nhẫn hơn và bao dung hơn với bản thân. Với một số cá nhân, điều vực họ dậy nhiều nhất chính là vun đắp thêm cho đức tin tôn giáo, hoặc chuẩn mực và giá trị cá nhân để từ đó tìm được ý nghĩa hoặc sự chấp nhận.

Chúng ta có thể giúp gì cho đồng nghiệp bị chấn thương lương tâm?

Nhân tố giúp ích rất nhiều cho nhân viên y tế gặp chấn thương lương tâm chính là sự hỗ trợ từ các cộng sự. Bởi đồng nghiệp có thể cũng đã từng trải qua những cảm giác tương tự, họ dễ dàng đồng cảm ngay lập tức với nhau – và đó là một nguồn nâng đỡ cực kỳ lớn.

Hãy hỏi han đồng nghiệp đang có những dấu hiệu suy sụp. Tủi hổ, cảm giác có lỗi và nỗi lo bị lên án và sợ bị hắt hủi có thể khiến đồng nghiệp không sẵn lòng bộc bạch về trải nghiệm của mình. Nếu họ nói rằng mình “ổn”, hãy ôn tồn nói rằng bạn có để ý thấy những thay đổi khác lạ ở họ gần đây và rằng bạn quan tâm đến họ. Nếu họ chọn không chia sẻ vấn đề với bạn, hãy hiểu rằng cần thời gian để một người có thể mở lòng về những gì diễn ra bên trong họ. Cũng có thể là họ hiện không đủ sức hoặc thời gian để trao đổi về những phiền não của mình. Nếu vậy, đơn giản hãy cho họ biết rằng bạn thực sự quan tâm và luôn ở đó sẵn lòng lắng nghe nếu họ muốn nói chuyện. Tùy trường hợp, bạn có thể gợi ý họ tìm đến những người họ cảm thấy an toàn và tin tưởng.

Nếu người đó muốn nói về cảm giác hoặc trải nghiệm của họ, hãy là một người biết lắng nghe. Không gì chúng ta nói ra hay làm quan trọng bằng những gì người kia thổ lộ. Thường thì một người chỉ cần biết rằng  vẫn có ai đó đủ quan tâm để hỏi han và sẵn lòng lắng nghe họ. Ngay cả một cuộc trò chuyện ngắn cũng có thể cho họ thấy bản thân không hề đơn độc và có người để tâm đến mình. Đừng phán xét và đặt mình vào vị trí của họ.

  • Nếu bạn muốn biết thêm thông tin, hãy thử cách nói: “Có vẻ như bạn đã có những trải nghiệm không một ai muốn phải trải qua. Bạn có thể giúp tôi hiểu hơn nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống bạn ra sao? “
  • Nếu người đó nói về mặc cảm tội lỗi vì điều đã không xảy ra, hãy thử hồi đáp rằng: “Có vẻ như bạn rất buồn phiền về điều mà mình đã không làm” và để họ tiếp lời. Nếu họ cảm thấy tội lỗi vì những điều đã xảy ra, bạn có thể phản hồi: “Có vẻ như bạn cảm thấy cực kỳ nặng nề vì những điều mình làm, hay chí ít là điều bạn tin mình đã làm” và để họ tiếp lời.
  • Nếu bạn không biết phải nói gì, hãy thử phản hồi: “Điều ấy thực sự khó khăn quá sức tưởng tượng. Tôi không thể hình dung nổi mình sẽ cảm thấy thế nào nếu là bạn lúc đó”.
  • Nếu bạn thấy mình không đủ sức nghe tâm sự của họ vì những khó khăn của chính bản thân, hãy thành thật. Nói điều gì đó như: “Tôi không biết liệu mình có nên nghe câu chuyện này không, nhưng tôi biết một người phù hợp để giúp bạn. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn…. ”
  • Nếu có thể, hãy cố gắng giúp người đó nhìn nhận bản thân hoặc người xung quanh khác đi. Hoặc bạn giúp người đó thấy được rằng kinh nghiệm vừa qua có ý nghĩa ra sao hay nói lên những nội lực và giá trị gì ở họ. Bạn đọc có thể tham khảo những thông tin trong bài viết Các suy nghĩ hữu ích trong thời COVID-19 và Những gợi ý khi hỗ trợ người khác trong thời COVID-19.

Lãnh đạo (y tế) có thể làm gì để giúp cấp dưới bị chấn thương lương tâm?

Các lãnh đạo có thể đóng vai trò quan trọng trong cả việc ngăn ngừa chấn thương lương tâm và giảm thiểu những tác động xấu của nó, đặc biệt nếu nhân viên tin tưởng bề dày kinh nghiệm và ý kiến của họ. Lãnh đạo cần quyết liệt trong việc đặt ra các nguyên tắc chung và truyền đạt những chuẩn mực và giá trị của tổ chức, và đây là thời điểm kinh nghiệm phát triển con người và xử lý vấn đề của họ cực kỳ đắt giá trong việc hỗ trợ cho cấp dưới.

Các lãnh đạo có thể giúp đỡ bằng cách tăng cường giao tiếp với nhân viên, đặc biệt xung quanh việc thay đổi các chính sách và các quyết định đang được triển khai. Hãy gửi một thông điệp rõ ràng rằng căng thẳng, khối lượng ca bệnh, và tình hình biến động chóng mặt trong đợt bùng phát COVID-19 có thể gây ra cảm giác có lỗi, tủi hổ, phẫn uất, và xáo động cuộc sống của tất cả cán bộ công nhân viên. Điều quan trọng là hãy nhẫn nại và bao dung với bản thân lẫn với những người khác. Hãy cố gắng dành thời giờ để hỏi han – dù chỉ ngắn gọn – đặc biệt sau những ngày quá tải bệnh hoặc tình hình chuyển biến xấu. Hãy thể hiện sự khen ngợi và ghi nhận đối với các công tác mà nhân viên đang làm, nhất là những người ở vị trí cấp trung – đảm nhận giám sát và quản lý đội ngũ cấp dưới, song đây lại là đối tượng thường ít tìm kiếm sự hỗ trợ vì họ có ít hơn những đồng sự ngang cấp để tìm đến.

Hãy để ý đến các dấu hiệu chấn thương lương tâm, và dành thời gian hỏi han những nhân viên có các dấu hiệu, hoặc ủy quyền công tác này cho một đội chuyên trách. Lên danh sách các cơ sở chuyên môn để khi cần chuyển gởi những cá nhân cần đến sự trợ giúp về sức khỏe tinh thần. Dưới đây là những tình trạng nghiêm trọng cần đến sự can thiệp chuyên nghiệp:

  • Các triệu chứng PTSD dai dẳng, chẳng hạn như hồi tưởng không dứt về các ký ức khó chịu, tránh né người khác hoặc nơi chốn, thay đổi (theo hướng tiêu cực) khí sắc hoặc lối suy nghĩ, xáo trộn giấc ngủ hoặc khó khăn tập trung;
  • Các hành vi tự hại, chẳng hạn như bỏ bê vệ sinh bản thân, lạm dụng rượu và chất kích thích, có hành vi tắc trách, hay tự gây thương tích cho bản thân;
  • Các hành vi chối bỏ bản thân, chẳng hạn như khước từ nhận thành tích chính đáng thuộc về mình (hoặc không) cho bản thân được phép tận hưởng niềm vui, và xem nhẹ việc được người khác giúp đỡ.
  • Bất cần và buông xuôi, bao gồm nỗi hoang mang, cảm giác vô dụng, tuyệt vọng, và căm ghét chính mình.

Các lãnh đạo có thể cổ vũ nhân viên chủ động hơn trong việc tìm đến các nơi chăm sóc tâm thần/ tâm lý chuyên nghiệp bằng cách trấn an rằng nhiều người khác như họ đều thấy khá hơn khi nhận được trợ giúp cần thiết, và nhờ đó mà họ có thể sớm cân bằng trở lại. Nếu họ không muốn tìm sự giúp đỡ vào thời điểm này, hãy tôn trọng quyết định ấy – trừ khi nhận thấy hiện trạng có nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho chính họ hay người khác. Tuy nhiên, nhớ hỏi han họ thường xuyên để đảm bảo sự giúp đỡ luôn sẵn sàng khi cần đến.

 

Tựa gốc: Moral Injury in Healthcare Workers on the Frontlines of the Coronavirus (COVID-19) Outbreak – biên soạn bởi Ủy Ban Quốc Gia về PTSD (Hoa Kỳ)

Chuyển ngữ: Trung Thu

Hiệu đính: Đức Nhật – Nhà tham vấn lâm sàng, NSC Ts.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on whatsapp
WhatsApp